sinh viên cần làm gì

Sinh viên thành công ở giảng đường đại học, khó hay dễ?

Giáo dục

Tuổi mười tám, đôi mươi luôn phải đứng trước nhiều nhiều lựa chọn. Đại học là con đường mà phần lớn các bạn trẻ chọn để tiếp tục hành trình ước mơ. Bất cứ ai cũng có thể hạnh phúc và có quyền được hạnh phúc, kể cả khi bạn không phải là sinh viên một trường đại học danh tiếng. Nhưng một điều mà bạn nên nhớ, bất cứ trường đại học nào cũng chỉ đóng vai trò như một bước đệm. Điểm tựa quan trọng nhất vẫn là bản thân mỗi chúng ta. Có bước đệm vững chắc là điều may mắn, nhưng thành công vẫn có thể đến nếu trong tay bạn đã có thứ quan trọng nhất: đam mê, ý chí và nghị lực.

Không có trường đại học đào tạo vĩ nhân. Đồng thời không ở đâu dạy cho bạn đam mê, không dạy cho bạn trở nên chăm chỉ và dĩ nhiên, không ai có thể dạy chúng ta điều này. Đừng lầm tưởng đại học sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi “Tôi là ai”, vì chỉ có chính bạn mới có thể đi tìm được lời giải đáp. Có những bạn trẻ sau 12 năm đèn sách miệt mài đã nảy sinh ra tâm lí xả hơi khi vào đại học. Chính sự thỏa mãn không đến đúng lúc sẽ chặn đường bạn, biến việc học đại học của bạn trở nên vô nghĩa nếu nó kèm theo ước vọng đổi đời.

Cũng là một sinh viên mới rời giảng đường đại học chưa lâu, mình đưa ra vài quan điểm cá nhân cho câu hỏi:”Sinh viên cần làm gì để thành công ở giảng đường đại học?”

Thay đổi suy nghĩ của bạn

1. Các môn học ở trường đại học có dễ không?

Hôm trước mình đọc được một comment trên Facebook rằng: “Anh ơi, em thi đại học được 28 điểm, thì học các môn đại cương dễ dàng đạt được 8,9 điểm không anh?” Câu trả lời là không bao giờ là dễ dàng. Các môn học ở đại học dù là đại cương hay chuyên ngành thì chủ yếu nó tiếp cận kiến thức ở một lĩnh vực khác hoặc cao hơn sao với 12 năm đèn sách trước đây. Do đó, kiến thức em học gần như là mới hoàn toàn, điều mà em có thể mang từ trường cấp 3 vào đại học là tư duy học, sự chăm chỉ mà thôi. Nhưng yên tâm, kì đầu năm nhất thì các em học các môn nhẹ nhàng thôi.

2. Đến gần ngày thi ôn bài vẫn được. Học đại học nhàn lắm

“Chơi đi, đến ngày gần thi ôn bài vẫn kịp” Đây là câu nói mà sẽ được nghe nhiều từ các anh chị khóa trên. Mình không đề cập đến việc đúng hay sai, nhưng với mình đó là điều sai lầm mà mình đã từng nghe và làm theo. Đến ngày thi mới học, trừ khi bạn là thiên tài cộng với may mắn, thì bạn mới đạt được điểm cao. Còn không, thì hầu như chỉ đủ điểm qua môn và tỷ lệ tạch cũng khá cao. Vì vậy, để có kết quả tốt, thì dẹp cái tư tưởng đến ngày thi rồi mới học đi.

Các sai lầm của thời sinh viên

1. Dành quá nhiều thời gian xả hơi đầu năm học

Không ít các sinh viên cho rằng thi đỗ ĐH là một sự kiện lớn, mình có quyền xả hơi thoải mái, dẫn đến ngay học kỳ đầu tiên đã thả nổi việc học. Trượt dài trong bù khú chơi bời, bê tha rượu chè, bài bạc… Các bạn dành quá nhiều thời gian một cách lãng phí mà không quan tâm đến học tập, rèn luyện, phát triển bản thân. Hậu quả trực tiếp là điểm số thấp, rớt môn, làm tốn kém tiền bạc gia đình, bản thân thiếu kỹ năng, trải nghiệm sống nghèo nàn. Hậu quả sâu xa là các bạn sẽ bị những người xung quanh bỏ xa. Để đến khi muốn thay đổi lại không biết bắt đầu từ đâu

2. Quá dễ dãi với bản thân

Khi mới bước vào đại học, ai cũng từng nghĩ mình sẽ cố gắng phấn đế hết mình, hình dung về một con người mới với những thói quen mới. Nhưng chính sự dễ dãi với bản thân đã làm các bạn quen dần với những thói xấu như trễ hẹn, thất hứa, trì hoãn. Ngày càng không lo lắng nhiều về cuộc sống của chính mình. Các bạn tự cho mình quyền nói “Không sao đâu, lo gì”. Từ đó, các bạn tự biến mình thành những con người đầy tính xấu, không còn được người xung quanh tôn trọng.

3. Sống trong mơ hồ, không có định hướng

Các bạn cũng được tự do hơn, không còn bị gia đình giám sát liên tục, không còn giờ giới nghiêm,… Khi đó, các bạn mải mê trong thế giới của mình: bạn bè, ăn chơi, làm việc,… mà không biết mục tiêu của mình là gì? Mình thích gì? Mình sống vì điều gì? Mình nên sống thế nào? Các bạn phân vân về cuộc đời nhưng rồi lại bỏ qua những câu hỏi đó, thả rơi cuộc sống của mình trong một đống mơ hồ. Sự bàng quan ấy dần dà tạo nên một cuộc sống mờ nhạt và đầy bứt rứt. Cuối cùng, các bạn sẽ không biết mình đi đâu và về đâu. Một cuộc sống mơ hồ, không phương hướng là một cuộc sống nhàm chán.

4. Ngại giao tiếp, sống khép mình

Bước vào môi trường mới, nhiều bạn luôn cố gắng hòa nhập, năng nổ làm quen, chia sẻ, tích cực tham gia các nhóm, hội để học cách sống hòa đồng. Nhưng cũng không ít bạn ngại làm quen, ngại giao tiếp, ngại nói chuyện. Các bạn ngày càng tách mình ra để trở thành một người không có nhiều kết nối, ít bạn bè. Các bạn cần phải năng nổ, hòa đồng, cởi mở hơn, nếu hôm nay chưa được, ngày mai cố gắng hơn. Hãy cố gắng tham gia cách hoạt động ngoài giờ, tham gia các câu lạc bộ để có thể rèn luyện các kỹ năng của mình.

5. Để thời gian trôi lãng phí

Các bạn đừng nghĩ mình còn nhiều thời gian, đủ để mình cứ thong thả, giải lao đi rồi sẽ chạy sau. Đại học chỉ 4, 5 năm nhưng có quá nhiều thứ để chúng ta làm, từ việc bổ sung cái thiếu cho đến hoàn thiện bản thân mình. Năm nhất, nhiều bạn mắc phải bệnh để thời gian trôi đi vô thưởng vô phạt. Những lịch hẹn các bạn bỏ dở, những việc đáng lẽ hôm nay làm thì lại dời sang ngày mai, ngày kia rồi dời vào quên lãng. Có nhiều thứ cuốn hút như phim ảnh, bạn bè, game online, truyện ngôn tình,… để các bạn quên mất những việc cần phải làm.

Học ở giảng đường đại học, trong ngày các bạn chỉ học một buổi, còn lại khoảng 18 tiếng là thời gian rảnh. Nhiều bạn dành thời gian này chìm đắm trong gameonline, lướt FB, xem phim,… Chính điều này đang dần giết chết bạn, tốt nghiệp đại học ngoài tấm bằng ra thì bạn không có thêm kỹ năng gì hay học thêm được điều gì. Khiến bạn tụt phía sau so với người khác.

6. Quen dần với sự tầm thường

Năm nhất, các bạn có thể rất kinh ngạc và thất vọng khi điểm thi thấp, rớt môn, thật khó tưởng tượng và khó chấp nhận. Nhưng rồi sau đó, các bạn lại trượt một số môn, các bạn có buồn và thất vọng nhưng không còn thấy cắn rứt như trước. Đến 1 kỳ nữa, các bạn thấy đó là chuyện thường tình. Dần dần, các bạn không còn tự trách bản thân mình nữa.

Nếu trước đây các bạn giận chính mình khi thất bại, khi không nỗ lực hết mình. Thì nay, các bạn lại tìm các lý do để đổ lỗi, để quên đi cảm giác tự kiểm điểm, để bỏ qua và vô tư nhởn nhơ như không có chuyện gì. Và thế rồi, các bạn sống trong sự tầm thường, mất đi ý chí phấn đấu. Dần dần, các bạn trượt dài theo vết xe đổ năm trước.

Sinh viên cần làm gì?

1. Chăm chỉ học tập

Phương pháp học và thi ở trường đại học khác xa với trường cấp 3. Mỗi môn học chỉ học trong hơn 2 tháng. Vì vậy, thời gian trôi qua rất nhanh, bạn không chăm chỉ từ đầu thì khó theo kiến thức. Hãy chú ý nghe giảng và ghi chép bài đầy đủ.

2. Học thêm ngoại ngữ và các kỹ năng mới

Cho dù bạn học chuyên ngành gì, hay học ở trường đại học nào, thì ngoại ngữ vô cùng quan trọng, mở ra cơ hội về nghề nghiệp tương lai cho các bạn. Các bạn có thể tự học hoặc ra trung tâm, nhưng đừng bao giờ lười biếng và xem nhẹ việc học thêm ngoại ngữ.

Học thêm guitar

Đồng thời, hãy học thêm và tìm hiểu thêm những điều mới như học ghitar, hội họa,… thậm chí tìm hiểu chứng khoán, đồ họa, thiết kế chẳng hạn. Đôi khi, đó là cánh cửa thành công của các bạn.

3. Hãy tham gia CLB hoặc một tổ chức cộng đồng

Có rất nhiều lợi ích của việc có nhiều hoạt động và thành tựu trong lý lịch. Nhà tuyển dụng ấn tượng bởi vị trí lãnh đạo và một hồ sơ có những hoạt động được chứng thực. Nó sẽ có lợi khi nộp đơn xin việc sau tốt nghiệp.

Tham gia sinh viên tình nguyện

Tham gia một câu lạc bộ hoặc một cộng đồng thậm chí sẽ dạy cho bạn những kỹ năng mới. Nhưng lợi ích quan trọng nhất là sẽ giúp bạn mở rộng vòng tròn xã hội. Nó sẽ giúp bạn phát triển các kết nối với những người trong CLB. Cũng giúp bạn mở rộng mạng lưới quan hệ trong tương lai bằng việc kết nối dễ dàng hơn với các cựu sinh viên và những người khác, những người cũng tham gia vào một câu lạc bộ hay các hoạt động tương tự. Khám phá tất cả các phương án của bạn và chọn một (hoặc hai) hoạt động mà bạn quan tâm. Ngoài ra, hãy nhớ để lại ấn tượng tích cực cho những người xung quanh bạn.

4. Tìm kiếm cơ hội làm thêm

Sinh viên năm nhất, có dư dả về thời gian và cũng chưa vào chuyên ngành nên hoàn toàn có thể tìm kiếm các công việc làm thêm để tích lũy kinh nghiệm sống, xây dựng các mối quan hệ xã hội thay vì đợi đến năm ba, năm tư như nhiều bạn hiện nay.

Sinh viên đi làm thêm sẽ được tiền, điều đó là chắc chắn. Công sức lao động bỏ ra và hiển nhiên bạn được hưởng những gì bạn đã làm. Làm thêm sẽ giúp bạn có thêm nhiều về kỹ năng trong cuộc sống. Môi trường làm việc giúp bạn phải gặp gỡ nhiều người. Điều đó sẽ giúp bạn khôn khéo hơn trong việc giao tiếp. Khi kỹ năng giao tiếp tốt bạn sẽ làm quen được với nhiều người, mở rộng được mối quan hệ.

Làm CTV Báo chí – Mảnh đất màu mỡ cho những ai muốn theo đuổi nghề Viết

5. Học cách lập và quản lí thời gian

Đại học tuy ít vất vả và căng thẳng hơn trung học nhiều. Nhưng thời gian của bạn sẽ tràn ngập các bài tiểu luận, kì thi, sự kiện và cả những buổi đi chơi. Sẽ không có ai nhắc nhở bạn từng chút một như trước nữa. Vì vậy, hãy chủ động học cách quản lý thời gian của bạn. Dành một thời lượng nhất định cho việc học và làm bài tập. Điều đó, giúp bạn không bị cuốn đi bởi vô số sự kiện ngoại khóa sôi động, các cuộc hẹn đi chơi đầy hấp dẫn.

Danh tính một con người không được xác định qua tấm bằng đại học mà anh ta có. Ở tuổi 18, chúng ta có quyền vấp ngã, có quyền sai lầm và có quyền làm lại. Thời gian mới là câu trả lời quan trọng nhất cho thành công. “Nếu bạn không sẵn lòng học hỏi, không ai có thể giúp bạn. Nếu bạn quyết tâm học hỏi, không ai có thể cản bạn – Zig Ziglar”.

Bản thân mình cũng trải qua một thời sinh viên đẹp đẽ nhưng cũng đầy tiếc nuối. Hàng tá câu ” Giá như”, “Nếu mà lúc đó”,… xuất hiện khi mình rời trường đại học bước vào đời. Giá như ngày đấy mình biết được nhiều điều này thì cuộc sống hiện tại đã khác.

Bài viết này được viết dành cho các sinh viên bởi những trải nghiệm thực tế của mình. Hi vọng trang bị cho các bạn một hành trang tốt hơn ở giảng đường đại học. Sẽ trả lời được câu hỏi, sinh viên cần làm gì để thành công ở giảng đường đại học.

Chúc các thành công trên con đường mình chọn!- TDMN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *