chi tiêu tiết kiệm

Cẩm nang tiết kiệm chi tiêu cho sinh viên

Giáo dục

Đối với những sinh viên xa nhà, bên cạnh việc học tập, các bạn còn phải tự mình lo toan; trang trải cuộc sống trên thành phố. Dù có đi làm thêm hay không thì việc tiết kiệm chi tiêu thế nào để không vượt quá ngân sách là bài toán không hề đơn giản với các bạn sinh viên. Đặc biệt là với các bạn mới chập chững đến cánh cửa Đại học.

Đừng lo, hôm nay mình sẽ chia sẻ cho bạn 7 cách chi tiêu tiết kiệm giúp sinh viên đảm bảo chi phí sinh hoạt; giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình.

1. Ở trọ ghép

Hầu hết các trường đại học đều có khu ký túc xá dành cho sinh viên với mức giá rẻ. Tuy nhiên, số lượng sinh viên được ở trong ký túc xá không nhiều và thường để ưu tiên cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc ở rất xa trường. Nếu không đăng ký được ký túc xá, bạn buộc phải tìm nhà trọ bên ngoài với chi phí sẽ đắt hơn so với ở trong ký túc xá. Đây là một khoản chi hàng tháng khá tốn kém đối với sinh viên.

Do đó, nếu muốn tiết kiệm thành công, các bạn cần giảm chi phí thuê nhà xuống mức tối thiểu. Ngoài việc xem xét, so sánh mức giá, cơ sở vật chất,…. giữa nhiều phòng để đưa ra lựa chọn phù hợp thì các bạn sinh viên nên cân nhắc việc ở ghép với một hoặc một vài bạn đáng tin cậy. Đều này không chỉ giúp bạn giảm bớt gánh nặng chi phí mỗi tháng mà còn đảm bảo an toàn hơn so với việc ở một mình.

Trước khi dọn vào ở cùng nhau, bạn cũng có thể phân chia đồ chi phí sắm sửa gia dụng để tránh lãng phí. Chẳng hạn, người sắm nồi cơm điện, người mua quạt… Với cách làm này, căn phòng của bạn sẽ đầy đủ vật dụng mà không tốn nhiều chi phí. Điều này cũng tiện khi không sống cùng nhau nữa, bạn hoàn toàn có thể mang theo đồ đạc thuộc sở hữu của mình.

2. Mượn giáo trình, tài liệu học tập

Giáo trình là tài liệu học tập không thể thiếu khi vào đại học. Tuy nhiên, có một đặc điểm là những cuốn giáo trình hay tài liệu này lại chỉ được sử dụng trong một thời gian ngắn – đến khi kết thúc môn học và sau đó tuyệt nhiên không cần dùng lại nữa. Vì thế, với điều kiện tài chính còn hạn chế; việc mua những cuốn giáo trình và chỉ dùng trong thời gian ngắn thực sự rất tốn kém và lãng phí so với túi tiền của sinh viên. Thay vào đó, bạn nên tận dụng nguồn sách của thư viện. Hầu hết thư viện trường nào cũng cho mượn giáo trình cùng rất nhiều tài liệu tham khảo.

Ngoài ra, bạn cũng có thể xin sách của các anh chị khóa trên. Đó sẽ là một sự lựa chọn tuyệt vời để bạn tiết kiệm chi phí mua giáo trình.

3. Phân biệt giữa “mong muốn” và “cần thiết”

Đây là một trong những tư duy mua sắm tiết kiệm mà không chỉ hữu ích với các bạn sinh viên mà bất kỳ ai cũng nên có nếu muốn sớm làm chủ tài chính cá nhân. “Needs” được hiểu theo cách đơn giản nhất là những nhu cầu cơ bản của con người như nơi ở, quần áo, thức ăn, nước uống… Đây là những điều thiết yếu để con người có thể tồn tại. Ngoài ra, chúng ta có thể nhắc đến những nhu cầu khác như giáo dục, y tế, … Khác với nhu cầu, mong muốn (wants) dễ thay đổi và không phải là điều bắt buộc cho sự tồn tại của con người.

Ví dụ, bạn thích một chiếc xe máy đẹp đời mới nhất. Nhưng thực tế bạn chỉ cần một chiếc xe máy có thể đáp ứng nhu cầu đi lại của bạn; giá thấp hơn nhiều chiếc xe đời mới đó. Chi tiêu cho thứ bạn cần thay vì thứ bạn mong muốn trong nhất thời và không mang lại giá trị bền vững cho cuộc sống của bạn chính là cách hiệu quả để sinh viên tiết kiệm chi tiêu. Tốt nhất, trước khi đi mua sắm, hãy lên danh sách những món đồ mình cần. Bước này giúp bạn không bị sót đồ, ước tính được lượng tiền cần mang theo. Đồng thời, hạn chế trường hợp sa đà vào những món đồ không thực sự cần thiết.

4. Theo dõi chi tiêu hằng ngày

Thói ghi lại những khoản chi tiêu hàng ngày dù lớn hay nhỏ chính là cách thức hiệu quả và đơn giản mà bạn sinh viên nào cũng nên thực hiện để có thể kiểm soát sức khỏe tài chính của bản thân. Nhờ việc theo dõi này mà các bạn có thể hiểu được thói quen tiêu dùng của bản thân; xem mình có đang bội chi ở phần nào không để kịp thời điều chỉnh và cân bằng chi tiêu cho tháng tới.

Trước đây, mọi người thường ghi chép chi tiêu vào sổ sách hoặc tạo file excel. Tuy nhiên việc này khá mất thời gian, khiến bạn không thể duy trì đều đặn. Nếu bạn không phải là người cẩn thận, kiên nhẫn thì hãy dùng các ứng dụng hoặc website bổ trợ việc theo dõi chi tiêu để đạt hiệu quả tốt nhất.

5. Tiết kiệm chi tiêu nhờ tận dụng khu vực giảm giá cho sinh viên

Ngoài ý nghĩa sử dụng trong trường học, tấm thẻ sinh viên còn mang lại nhiều lợi ích khác. Đặc biệt là trong việc giúp bạn nhận được những ưu đãi hấp dẫn khi sử dụng hay mua sắm một vài loại hình dịch vụ, sản phẩm nhất định. Chẳng hạn, khi có thẻ sinh viên, bạn sẽ được giảm giá; thậm chí miễn phí khi tham quan bảo tàng, khu du lịch, di tích lịch sử,… Các rạp chiếu phim cũng luôn có mức giá ưu đãi riêng cho sinh viên.

Ngoài ra, khi sử dụng các phương tiện công cộng, giá vé dành cho sinh viên cũng rẻ hơn so với người bình thường. Nếu biết cách tận dụng những ưu đãi này, bạn chắc chắn sẽ tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ cho nhu cầu cá nhân của bản thân.

6. Hạn chế thi lại, học lại

Nhiều sinh viên vừa bước đến cánh cổng Đại học, chưa hiểu rõ phương pháp học tập sao cho hiệu quả đã dành thời gian đi làm thêm quá nhiều, dẫn đến kết quả học tập sa sút và phải học lại, thi lại. Việc này không chỉ khiến bạn mất thời gian, công sức, mà còn tốn một khoản tiền không nhỏ. Có thể bạn cho rằng việc đi làm thêm sẽ giúp bạn gia tăng thu nhập. Nhưng nếu tính toán cái giá của việc đi làm thêm mà khiến bạn phải đóng tiền học lại, thi lại thì số tiền kiếm được đó chưa chắc đã xứng đáng để bạn đánh đổi.

Hơn nữa, việc có một bảng điểm tốt trên Đại học không chỉ giúp bạn đạt Học bổng mà còn đảm bảo một CV xin việc thu hút nhà tuyển dụng hơn. Đây mới là sự đầu tư dài hạn mà bạn nên chú tâm đến. Vì vậy, để chi tiêu tiết kiệm; bạn cần cố gắng học tập chăm chỉ ngay từ khi còn là sinh viên năm nhất. Cũng như cần biết cân bằng giữa thời gian cho việc học và những hoạt động khác như đi làm thêm hay tham gia Câu lạc bộ.

7. Áp dụng quy tắc 24h

Có rất nhiều yếu tố thúc giục bạn đưa quyết định mua sắm tại thời điểm bạn nhìn thấy một món đồ. Chẳng hạn như bạn của bạn cũng mua món đồ đó; hay người bán hàng rất nhiệt tình tư vấn cho bạn. Những yếu tố này sẽ tác động đến cảm xúc và làm lu mờ lý trí của bạn. Vì vậy nếu thích một món đồ nào đó; đừng vội vàng mua ngay lập tức vì rất có thể sau đó; quyết định này sẽ khiến bạn hối hận.

Cách tốt nhất chính là đợi khoảng 1-2 ngày để suy nghĩ xem nó có thực sự cần thiết và phù hợp với điều kiện tài chính hiện tại của bản thân hay không. Nếu khi ấy bạn vẫn cảm thấy muốn mua một món đồ thì ra quyết định cũng chưa muộn. Cách này giúp bạn có sự tính toán, cân nhắc kỹ càng trước khi chi tiêu số tiền của mình. Tránh việc mua sắm ngẫu hứng, bốc đồng dễ dẫn đến bội chi.
Mong rằng bài viết này giúp ích cho bạn.

Lưu ý: Bài viết được viết dựa trên hiểu biết và kinh nghiệm cá nhân nhằm mục đích tham khảo. Hãy đọc và áp dụng với bản thân tiết kiệm chi tiêu phù hợp nhé!

Những Kỹ Năng Sinh Viên Nên Học, Có Lợi Khi Đi Làm

1 thought on “Cẩm nang tiết kiệm chi tiêu cho sinh viên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *