Như thế nào là trưởng thành?

Phát Triển Tư Duy

Trưởng thành là như thế nào? Khi nhận được câu hỏi này, có lẽ không ít bạn sẽ khựng lại và ngẫm về sự trưởng thành của mình. Vậy… làm sao bạn biết được mình đã trưởng thành và trưởng thành ở mức độ nào?

Trong cuộc sống, ta gặp rất nhiều người “có vẻ” như đã trưởng thành theo các thang đo của xã hội: Họ đủ tuổi theo quy định của pháp luật, họ có sự nghiệp, có gia đình, có vài đứa con và có nhà cửa xe riêng… Nhưng khi gặp gỡ và tiếp xúc, ta vẫn có cảm thấy họ như một đứa trẻ “to xác”.

Điều đó làm ta hoài nghi rằng độ tuổi, sự nghiệp, tài sản, địa vị, mối quan hệ… có thực sự là tiêu chí để đánh giá mức độ trưởng thành của một người hay không.

Vậy điều gì làm nên sự khác biệt này?

Đầu tiên, ta cần phải biết về định nghĩa của một người trưởng thành là gì:

“Người trưởng thành là người có đủ năng lực để Tự Nhận thức được các vấn đề của mình. Tự chịu Trách nhiệm với cuộc sống của mình và Tự Giải quyết được các vấn đề mà mình gặp phải.” (Trích sách “Tầm Nhìn Giáo Dục”).

Sự trưởng thành thực sự phải đến từ sự Tự mình Nhận Thức và giải quyết vấn đề. Không phụ thuộc vào tài sản vật chất hay mối quan hệ bạn có được. Một người còn chưa trưởng thành, đâu đó cách nhìn nhận của họ còn thiếu nhiều chiều sâu, góc cạnh. Đa phần họ có khuynh hướng đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm cho người khác.

Qua định nghĩa trên thì ta có các thang đo về mức độ trưởng thành:

Mức 1: Không thấy được vấn đề của mình (dù được người khác chỉ cho).

Ở mức 1 thì thường xuyên nhất là khi bạn phải tương tác với con người, cấp trên hay làm việc nhóm và được họ chỉ ra các vấn đề cá nhân bạn. Trong mức này lại chia ra hai trường hợp:

Trường hợp 1: Ta đón nhận sự phản hồi ấy với tâm thế cởi mở, nhưng ta lại không thấy nó là vấn đề của mình. Có thể điều đó đúng không phải là vấn đề của ta, hoặc do ta chưa nhìn ra được những thói quen, tính cách, hành vi đã ăn sâu vào bên trong mình.

Trường hợp 2: Ta không đón nhận sự phản hồi ấy và có cảm giác như bị “tấn công”. Ta tìm cách phản bác lại và “xù” lên như để phòng vệ lại những lời nói mà ta nghĩ đang làm hại chính mình. Ngay bước đầu, ta đã tự “đóng sập” cánh cửa để có thể hiểu được mình có vấn đề hay không.

Mức 2: Thấy được vấn đề của mình nhưng chưa biết cách giải quyết.

Ở mức này, ta đã có thể thấy rõ ràng được đây đúng là vấn đề của mình và chính xác đó là vấn đề gì. Tuy nhiên, vì thiếu trí tuệ nên ta không biết cách để giải quyết nó. Nhưng ít ra ta đã có sự bận tâm và quan sát vấn đề đó ở mình hơn. Thấy càng rõ vấn đề của bản thân thì sự quan tâm càng nhiều, dẫn đến khuynh hướng tìm cách để giải quyết nó.

Mức 3: Thấy được vấn đề của mình và biết cách giải quyết.

Có nhiều vấn đề ta đã ở mức 3 ví dụ như khi đói thì ta biết đi tìm đồ ăn. Nhưng đó chỉ là một vấn đề nhỏ trong vô vàn những vấn đề khác như công việc, mối quan hệ, gia đình… Nên nếu bạn nghĩ rằng mình hoàn toàn là một người trưởng thành ngay. Nhìn thấy và giải quyết được tất cả vấn đề của mình thì hẳn bạn phải là một người rất sáng suốt và thông tuệ.

Tôi từng nghe một ý khiến bản thân cảm thấy rất tâm đắc: Trưởng thành là cả một hành trình bạn tự nhận thức, quan sát, cảm nhận và thay đổi chính mình. Nhìn nhận như thế, bạn sẽ tận hưởng được sự phát triển của bản thân. Và càng có động lực để bước những bước đi vững chắc và mạnh mẽ hơn.

Còn bạn, bạn đã thấy mình ở đâu trên hành trình hướng đến sự trưởng thành rồi?
Xem nhiều bài viết ý nghĩa hơn tại tuduymoingay.com

1 thought on “Như thế nào là trưởng thành?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *