Áp lực khi học đại học

Những cách giúp bạn vượt qua áp lực khi học đại học

Giáo dục

Trong khoảng thời gian sinh viên, mình hầu như đã trải qua tất cả những áp lực khi học đại học từ lớn đến nhỏ. Thậm chí mình đã từng phải khóc rất nhiều khi đứng trước những áp lực ấy. Vậy, sinh viên đại học nói chung và bản thân mình nói riêng đã, đang và sẽ có thể phải đối mặt với những áp lực nào. Cùng đón đọc phần đầu tiên của bài viết này để hiểu hơn về khía cạnh khác của cuộc sống đại học mọi người nhé:

1. ÁP LỰC TRƯỚC MỘT MÔI TRƯỜNG HOÀN TOÀN KHÁC BIỆT SO VỚI CẤP 3

Lên đại học, giờ học ít, giáo viên lên lớp giảng bài nhưng sự tương tác thầy – trò lại không nhiều như cấp 3 nữa; sự kiểm soát học hành gần như không có. Sinh viên chúng mình hầu như phải hoàn toàn tự lập và tự đối mặt với khối lượng kiến thức khổng lồ đầy lạ lẫm. “Đại học là tự học”, câu nói được nhiều các anh chị khóa trên truyền lại có lẽ không sai chút nào.

Học không còn đơn giản là lên lớp nghe giảng, về nhà làm bài nữa. Khả năng tìm tòi, tự lực cánh sinh là những yêu cầu bắt buộc khi bước lên đại học. Và thực tế cũng đã cho thấy, nhiều bạn vì không thể thích ứng với cách học thoải mái và đòi hỏi tính tự học cao như thế dần trở nên chểnh mảng và sao lãng với việc học.

Ngoài ra, môi trường năng động cởi mở trên đại học với rất nhiều các hoạt động ngoại khóa; các sự kiện lớn nhỏ. Đòi hỏi các bạn sinh viên một khả năng hòa nhập và thích ứng đáng kể. Bởi vì, nếu không, các bạn sẽ bị cô lập trong chính môi trường năng động ấy.

Là một người rụt rè và nhút nhát, khoảng thời gian lúc mới lên đại học; mình cũng đã từng bị khủng hoảng bởi cuộc sống hoàn toàn khác biệt xung quanh mình. Mọi thứ đều mới mẻ và đầy lạ lẫm đối với một tân sinh viên như mình.

2. ÁP LỰC TRƯỚC KHỐI LƯỢNG KIẾN THỨC KHỔNG LỒ VÀ SỰ QUÁ TẢI BỞI CÁC BÀI KIỂM TRA, THẢO LUẬN

Đây gần như là một trong những áp lực lớn nhất đối với mình khi bắt đầu lên đại học. Mình vốn dĩ là một đứa chăm chỉ từ cấp 1 đến hết cấp 3; mình đã nghĩ mình có thể đảm đương được với vấn đề học tập trên đại học. Nhưng không, khoảng thời gian ban đầu và cả rất lâu sau đó quả là nỗi ám ảnh với mình.

Mỗi một môn học, chúng mình chỉ học trong vài tháng chứ không phải cả năm như trước kia nữa. Và trong vài tháng đó; chúng mình cần phải học hết kiến thức của cả cuốn giáo trình mấy trăm trang dày cộp. Rồi ngay từ đầu kì, ngay buổi học đầu tiên, cô giáo bước vào và việc cô làm đầu tiên là chia ngay nhóm để chuẩn bị cho các bài thuyết trình thảo luận.

Lúc ấy, mình shock lắm, vì còn chưa biết hình dạng mặt mũi môn đó như nào cơ mà; sao mà chúng mình thuyết trình được cả một đề tài trước lớp cơ chứ.

Và thế là, trong 1-2 tháng ngắn ngủi, sinh viên chúng mình mỗi tiết học hết cả chương giáo trình, thuyết trình, thảo luận, làm powerpoint, phản biện. Và còn kiểm tra giữa kì rồi chuẩn bị dần cho cả bài cuối kì ngay sau đó. Và cả kì, không chỉ có một môn mà chúng mình làm y như vậy với gần chục môn như thế nữa.

Khoảng thời gian ban đầu ấy, mình stress và áp lực kinh khủng, cảm giác vừa bắt đầu kì học mà đã đến hôm thuyết trình và rồi hết kì luôn. Thậm chí nhiều lúc, mình cảm thấy thật hoang mang và chóng vánh với những thứ mình học được trên đại học.

3. ÁP LỰC TRƯỚC VIỆC MẤT CÂN BẰNG THỜI GIAN VÀ CUỘC SỐNG

Cuộc sống đại học vốn dĩ không chỉ có mỗi việc học, đó là sự tổng hòa của rất nhiều thứ từ học tập, hoạt động ngoại khóa, làm thêm và cả những mối quan hệ. Đây có lẽ cũng là một trong những nguyên nhân trọng yếu dẫn đến vấn đề khủng hoảng thời sinh viên.

Câu chuyện cân bằng cuộc sống đại học trở nên khó khăn hơn khi chúng ta vừa phải duy trì kết quả học tập tốt ở trường. Vừa phải tham gia các hoạt động ngoại khóa để trở thành một sinh viên năng động; mà lại cũng cần có một công việc làm thêm để chi trả cho các sinh hoạt phí hàng ngày.

Mình đã chứng kiến rất nhiều các bạn sinh viên, trong đó có các bạn đồng trang lứa của mình, một ngày chỉ ngủ 3-4 tiếng do phải chạy đủ các thể loại deadlines và công việc khác nhau ở trường, ở dự án và chỗ làm.

Đã từng trải qua những khoảng thời gian mất cân bằng ấy. Mình hiểu rõ hơn bao giờ hết cảm giác mệt mỏi, áp lực; luôn trong trạng thái vật vờ do bị bủa vậy bởi quá nhiều thứ. Và nhiều khi chỉ muốn buông bỏ.

4. ÁP LỰC ĐỒNG TRANG LỨA

Áp lực đồng trang lứa (hay còn gọi là Peer Pressure) là một trong những áp lực phổ biến nhất ở cuộc sống hiện đại ngày nay. Mặc dù áp lực về thành tích, điểm số đã xuất hiện từ khi các bạn học cấp 3 nhưng những áp lực ấy còn nhân lên gấp nhiều lần khi các bạn bước vào đại học.

Môi trường đại học đã không còn là ngôi trường nhỏ bé như trường cấp 3 của các bạn nữa. Đó là nơi tập hợp tất cả các các bạn trẻ tài năng nhất trên khắp mọi miền đất nước.

Lên đại học, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp trên lớp, trên trường và trên khắp các mặt báo về những sinh viên có thành tích học tập khủng; về quá trình hoạt động ngoại khóa xuất sắc; những dự án khởi nghiệp hay những sinh viên đã bắt đầu đi thực tập trong các tập đoàn lớn từ năm 2 đại học.

Và rồi khi nhìn lại mình, một sinh viên nhỏ bé từ quê lên thành phố; chưa có bất cứ thành tích gì trong tay; các bạn sẽ không khỏi chạnh lòng và ngày càng trở nên áp lực bởi cuộc đua thành tích ấy. Bởi vì, các bạn biết rằng, nếu như các bạn không cố gắng; không có gì trong tay trước khi ra trường; các bạn sẽ bị chính cuộc đời đào thải. Những áp lực vô hình ấy đang ngày càng đè nặng lên vai các thế hệ sinh viên đại học.

5. ÁP LỰC VỀ TÀI CHÍNH

Cuối cùng, một áp lực cũng không kém phần quan trọng, áp lực về tài chính. Mặc dù khi lên đại học, đa phần các bạn được bố mẹ chu cấp tiền hàng tháng. Nhưng đó có lẽ chỉ là câu chuyện hồi năm nhất năm hai. Bởi lúc này, khi đã chính thức đủ tuổi trưởng thành; các bạn bắt đầu phải tự lập và chịu trách nhiệm cho cuộc sống của chính mình.

Số tiền chu cấp hàng tháng của bố mẹ nhiều khi sẽ không đủ chi trả cho tất cả các khoản tiền từ học phí tới tiền ăn ở và các sinh hoạt khác. Chưa kể, lên đại học, môi trường sống đã thay đổi; các bạn sinh viên sẽ cần đầu tư nhiều hơn cho đồ dùng học tập, trang phục và cả vẻ bề ngoài.

Lúc này, số tiền chu cấp đa phần không đủ để đáp ứng nhu cầu của tất cả các bạn. Và câu chuyện về nỗi lo tài chính sẽ trở thành áp lực tiếp theo đè nặng lên vai các bạn sinh viên đại học.

Đã có rất nhiều các bạn sinh viên vì không có đủ tiền chi trả cho cuộc sống đại học của mình mà lao mình đi làm thêm từ sáng đến tối; thậm chí bỏ ăn bỏ ngủ và cả bỏ học để có thêm tiền.

Áp lực học hành, thi cử, áp lực thành tích và giờ là áp lực tài chính đã cộng dồn lại khiến cho nhiều bạn sinh viên kiệt sức khi bắt đầu bước lên cuộc sống đại học.

KẾT LUẬN

Mình chỉ muốn nói rằng, những áp lực trên là những áp lực mà bất kì một sinh viên nào cũng trải qua ít nhất một lần trong đời. Buồn có, tủi thân có, mệt mỏi và cả chán chường cũng có.

Nhưng mà, chính những áp lực đó đã tôi luyện và khiến mình trở nên vững vàng như hôm nay. Có áp lực mới có kim cương là câu nói mình vẫn luôn dùng để nhắc nhở chính bản thân của mình; cố gắng một chút, một chút mỗi ngày.

Tuy vậy, áp lực cũng không phải lúc nào cũng tốt; và nếu để tích tụ lâu dài thì nó sẽ có thể để lại những hệ lụy không đáng có; và chắc chắn không thể nào giúp bạn thành kim cương được.

Bài viết này cũng dài quá rồi; mình sẽ chia sẻ về những áp lực khi học đại học ở phần tiếp theo. Hi vọng mọi người sẽ tiếp tục đón chờ phần 2 của bài viết nhé.

Cẩm nang tiết kiệm chi tiêu cho sinh viên

1 thought on “Những cách giúp bạn vượt qua áp lực khi học đại học

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *