6 dấu hiệu cho thấy bạn đang ám ảnh với việc làm hài lòng người khác

Xã Hội

Từ điển Merriam-Webster định nghĩa những người luôn cố làm hài lòng mọi người (Xin phép ad được dùng từ “People Pleaser”) là: “Người sẵn sàng chịu thiệt về mình để hài lòng người khác”. Nói cách khác, đây là kiểu người luôn đặt nhu cầu của bản thân sang một bên để đáp ứng nhu cầu của ai đó.

Có một điều thú vị là tất cả chúng ta đều từng cố gắng làm ai đó hài lòng trong cuộc đời. Tuy nhiên, nếu việc làm hài lòng mọi người trở thành một đặc điểm điển hình cho lối sống và tính cách của bạn, thì nó là một vấn đề đáng lo ngại. Trước khi đi sâu vào tìm hiểu sự nguy hiểm của nỗi ám ảnh với việc làm hài lòng mọi người, thì trước tiên chúng ta sẽ cùng tìm hiểu đặc điểm của “People Pleaser”.

Dưới đây là 6 dấu hiệu phổ biến một “People Pleaser”:

1. Cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm về tâm trạng và cảm xúc của người khác

Là một người với mong muốn làm hài lòng người khác một cách mãnh liệt. Bạn thường sẵn sàng làm tất cả mọi thứ để khiến mọi người vui, tránh xung đột. Bạn tự cho rằng cảm xúc của mọi người phụ thuộc vào bạn và bạn có trách nhiệm phải ở bên động viên khi người khác xuống tinh thần. Bạn thậm chí sẽ tránh làm những việc bạn muốn hoặc cần làm chỉ để đảm bảo niềm vui và sự hạnh phúc họ. Ví dụ: bạn chọn không lên tiếng khi ai đó làm tổn thương bạn.

2. Cảm thấy tội lỗi và ích kỷ khi đặt ra giới hạn trong các mối quan hệ

Ranh giới cá nhân là những giới hạn về lời nói, hành vi và khoảng cách mà chúng ta đặt ra trong mối quan hệ với người khác để bảo vệ bản thân khỏi bị lợi dụng, thao túng… Thật không may, nếu bạn là một người luôn muốn làm hài lòng mọi người, thì bạn rất dễ ngó lơ những ranh giới hết sức cần thiết này. Do có xu hướng đặt nhu cầu của người khác lên hàng đầu và thường hy sinh niềm vui của bản thân để làm hài lòng mọi người nên khi bạn cân nhắc nhu cầu của mình và đặt ra ranh giới cá nhân, bạn sẽ có cảm giác tội lỗi, hoặc cảm thấy mình ích kỷ.

3. Luôn sẵn sàng nhận lỗi, xin lỗi ngay cả khi đó không phải lỗi của bạn

Tư duy muốn làm hài lòng mọi người cũng được thể hiện qua hành động sẵn sàng nhận trách nhiệm cho dù những gì đã xảy ra không phải hoàn toàn do bạn. Bạn cũng có xu hướng tự đổ lỗi cho bản thân, tự dằn vặt và thường nói xin lỗi ngay cả vì những điều nhỏ nhất để không làm phật lòng người khác.

4. Bạn có xu hướng tìm kiếm sự công nhận từ người khác

Mặc dù lời khen hay lời ngọt ngào có thể khiến bất kỳ ai cảm thấy được đánh giá cao, nhưng đối với một “people pleaser” thì dường như ý thức về giá trị của bản thân họ phụ thuộc rất nhiều vào sự công nhận từ người khác. Bạn cần sự công nhận và yêu mến từ bên ngoài để cảm thấy tự tin và tự hào về bản thân hơn. Bạn rất sợ cảm giác bị từ chối, bị người khác ghét hoặc hiểu nhầm.

5. Luôn cố gắng tự làm mọi việc để không phiền đến ai

Nếu bạn gặp khó khăn trong việc yêu cầu hoặc chấp nhận sự giúp đỡ từ người khác ngay cả khi điều đó là cần thiết thì rất có thể bạn là một “people pleaser”. Vì đã quá quen với việc đáp ứng nhu cầu của mọi người nên thật khó để bạn tưởng tượng đến việc nhờ ai đó làm điều tương tự cho bạn. Bạn rất ít khi ủy quyền hay giao việc cho người khác vì bạn không muốn tạo gánh nặng cho họ về vấn đề của bản thân. Do đó, thay vì chuyển giao nhiệm vụ cho người thích hợp, bạn thường cố gắng làm tất cả mọi thứ một mình. Bạn tốt với mọi người nhưng trớ trêu thay, người mà bạn đang không đối xử tốt lại chính là bản thân bạn.

6. Rất khó nói lời từ chối người khác

Bất kể ai đó nhờ bạn làm điều gì và cho dù bạn đã cố gắng thế nào thì bạn vẫn cảm thấy thật khó để nói: “Không” với họ. Dường như câu trả lời mặc định của bạn sẽ luôn là “Có” cho dù bản thân bạn cũng đang rất bận rộn với những công việc riêng của mình. Chỉ cần bạn biết cảm thấy ai đó cần bạn giúp đỡ thì bạn sẽ tình nguyện ra tay giúp họ cho dù họ không trực tiếp nhờ đến bạn. Và ngay cả khi bạn đã thành công trong việc nói “Không” với người khác thì rất có khả năng bạn sẽ cố kèm theo một lời giải thích thật dài để lý giải cho sự từ chối của bạn. Đôi khi lời giải thích đó chỉ là do bạn bịa ra để tránh làm người kia mất lòng.

ĐIỀU GÌ KHIẾN BẠN TRỞ THÀNH MỘT ‘PEOPLE PLEASER”?

Tâm lý thích làm hài lòng người khác có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nó có thể liên quan đến tính cách tự nhiên của bạn, hoặc do ảnh hưởng của quá trình trưởng thành, môi trường văn hóa, giáo dục hay cuộc sống, công việc của bạn. Phần lớn các trường hợp ám ảnh với việc làm hài lòng người khác bắt nguồn từ lòng tự trọng thấp, cảm xúc bất an hoặc tổn thương tâm lý nào đó. Đôi khi, bạn muốn làm hài lòng người khác cũng vì chính bạn chưa yêu thương bản thân đúng mức nên cần sự yêu mến và công nhận từ những người xung quanh để bù đắp cho sự thiếu thốn cảm xúc bên trong.

Mình hy vọng bài đăng này đã giúp bạn kịp thời nhận ra những dấu hiệu của hành vi cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người. Cảm ơn bạn đã đọc và đừng quên đón đọc phần 2 để hiểu hơn về hậu quả cũng như cách để thoát khỏi phần “people pleaser”

P/s: Bao nhiêu dấu hiệu ở trên là đúng với bạn? Hãy chia sẻ dưới phần bình luận nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *